Tập thứ hai của bộ ĐẠI CƯƠNG LỊCH SỬ VĂN HÓA VIỆT
NAM (trọn bộ 5 tập) xin được hân hạnh
giới thiệu cùng bạn đọc đôi điều về Phật giáo và Đạo giáo. Hẳn là ai cũng đều
biết rằng, quê hương của Phật giáo là Ấn Độ cổ đại và quê hương của Đạo giáo
là Trung Quốc cổ đại. Nói khác hơn thì xét về nguồn gốc ban đầu, Phật giáo và
Đạo giáo là hai trong số các thành tố ngoại lai. Nhưng trải mấy ngàn năm không
ngừng truyền bá và hội nhập, hai tôn giáo lớn này đã trở thành hai bộ phận
không thể tách rời của tâm linh quảng đại người Việt. Chừng như xưa nay đều
thế cả, nếu cần kể đến những địa chỉ tôn nghiêm và thiêng liêng nhất, quên gì
thì quên, người Việt Nam quyết không thể nào quên đền, miếu và chùa chiền.
Tuy nhiên,
cái ta quen thuộc không phải bao giờ cũng đều là cái ta hiểu biết. Tác giả
sách này từng đi khảo sát ở nhiều
chùa chiền và đền miếu, từng đọc hàng trăm tờ thần tích và kinh sách, lại còn
được sự chỉ vẽ ân cần và hào hiệp của nhiều bậc cao minh, rốt cột, tri thức thu
được cũng chỉ mới sơ bộ tạm đủ để viết cuốn sách nhỏ này mà thôi.
Ở đây, cả
Phật giáo lẫn Đạo giáo đều được nhìn từ ba chiều khác nhau. Một là sự xuất hiện
và quá trình truyền bá vào nước ta. Hai là Phật giáo và Đạo giáo với ý nghĩa là những bộ phận cấu thành của văn hóa Việt
Nam. Và, ba là bước đầu giới thiệu về
độ thẩm thấu của vũ trụ quan, của
nhân sinh quan, của những quy phạm về đạo đức và lễ nghi có nguồn
gốc trực tiếp từ hai tôn giáo này
đối với xã hội người
Việt.